"GHI ĐÚNG THEO CHỮ GỐC CỦA NGÔN NGỮ NƯỚC NGƯỜI TA" LÀ ... MẦN RĂNG?
Tôi vừa đưa lên fb bài "Phiên âm rối còn hơn canh hẹ", trong đó lai rai mấy điểm còn bị hiểu trật lất xung quanh việc phiên âm (mời đọc: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1082880315479281). Có những bạn phát bực khi đụng phải báo chí ngoài bắc viết phiên âm tá lả, hoa cả mắt, bèn nói "phải ghi đúng theo chữ gốc của tiếng nước người ta".
Thoạt nghe tưởng có lý, nhưng lại không hẳn có lý - mà trong rất nhiều trường hợp là "vô kế khả thi" luôn!
* Tỉ như một quốc gia vùng phía bắc Liên bang Soviet cũ, đã độc lập, trong tiếng Anh gọi là Cộng hòa "Lithuania", còn tiếng Nga gọi là "Литва" (Litva). Nhưng, nếu "phải ghi đúng theo tiếng gốc của nước người ta", dân xứ đó họ đâu gọi "Lithuania" cũng đâu gọi "Litva" mà gọi bằng ngôn ngữ nước họ - là "Lietuva" đó đa!
Vậy, nếu bạn không ưng phiên âm, bạn sẽ ghi... đúng gốc là "Lietuva" chăng?
Thêm một tỉ dụ nữa về quốc gia là quê hương của nhạc sĩ thiên tài Chopin, của đức Thánh Giáo tông John Paul II - quốc gia đó, trong tiếng Anh, gọi là "Poland", tiếng Pháp gọi "Pologne", chuyển ngữ Việt hóa là "Ba Lan". Nhưng, dân xứ họ đâu gọi "Poland", mà gọi bằng tiếng nước họ, là "Polska"!
Vậy, nếu bạn cho rằng cần phải gọi theo đúng ngôn ngữ gốc của người ta, bạn sẽ ghi là "Polska" chăng?
* Trên đây vừa đưa ví dụ những nước họ dùng hệ văn tự Latin (cùng hệ văn tự với chữ Quốc ngữ nước Việt), coi bộ cũng cũng còn đỡ lúng túng. Nhưng, đối với những nước dùng chữ Ả Rập, chữ Khmer, chữ Lào, chữ Thái Lan... thì "ghi đúng theo ngôn ngữ gốc của nước người ta"? Bó tay là cái chắc.
* GIẢI PHÁP ?
1/ Qua mấy tỉ dụ nêu trên, ắt quí bạn đã hiểu: không phải, và không thể "ghi đúng với ngôn ngữ nước người ta". Mà là: ghi theo cách viết/cách gọi của ngôn ngữ thông dụng nhứt trên thế giới. Tức là GHI THEO TIẾNG ANH (chớ không phải ghi theo tiếng bản xứ của từng nước).
Nhưng ngay cả việc này, ở nước CHXHCN VN hiện giờ cũng lung tung, chẳng đâu vào đâu hết ráo! Trong khi nhiều tờ báo ghi "Lithuania" (theo tiếng Anh), nhưng mấy nhà đài ngoài bắc lại ưng gọi ... theo tiếng Nga là "Litva"!
Rồi, báo chí trong miền Nam ghi Cộng hòa "Georgia" (theo tiếng Anh), nhưng mấy báo đài ngoài bắc thì vẫn ưng gọi theo... tiếng Nga là "Gruzia" (Грузия)! [ trong khi người dân bản địa gọi tên nước họ là "Sakartvelo" ]...
2/ Hoặc chuyển ngữ VIỆT HÓA:
Chẳng hạn, không gọi theo tiếng Anh là "Poland", mà chuyển ngữ thành "Ba Lan" (đọc bài sau, cho tỏ tường: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1081787432255236)
3/ PHIÊN ÂM:
Trong thực tế ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, nói nào ngay, cũng không thể "trục xuất" vấn đề phiên âm. Nhưng, phiên âm qua tiếng Việt thì PHẢI ĐÚNG CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT.
Và, đối với những chữ lần đầu phiên âm thì bắt buộc phải mở ngoặc ghi chú chữ đó trong tiếng Anh ghi ra sao. (để còn biết đường mà tra cứu cho đúng)!
Chớ như báo chí, nhứt là ở ngoài bắc hiện nay, phiên âm cứ như đánh đố người đọc, mắc mệt, và... lắm lúc đọc "phiên âm" mà cười té ghế luôn ("phiên" tùy thích, "phiên" ngô nghê, và không hề mở ngoặc ghi chú tiếng Anh).
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------
(*): Còn đối với những chữ phiên âm đã quá quen thuộc, tỉ dụ "Giê-su" thì nhiều người cũng đã biết ghi trong tiếng Anh là "Jesus" mà không cần mở ngoặc ghi chú nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét