Kỳ 1: CÁC TỈNH CỦA ĐẤT PHƯƠNG NAM DẤU YÊU
(Đây tóm tắt sự biến thiên tên gọi của các tỉnh theo dòng lịch sử: Nam Kỳ /
Cochinchine / Nam Phần / Nam Bộ)
Có mấy điểm cần lưu ý:
- Tên gọi NAM KỲ là do tiền nhân người Việt định danh (ra đời hơn nửa thế kỷ
trước khi người Pháp đặt sự đô hộ);
- Tên gọi NAM PHẦN là danh xưng dưới thể chế Quốc gia VN (1949-1955) và thể chế
Việt Nam cộng hòa (1955-1975).
Trong thực tế (de facto), các tỉnh lỵ trung tâm thuộc
vùng đất phương Nam này nằm dưới sự quản lý của những thể chế vừa kể; và trên
danh nghĩa (de jure), như Việt Nam cộng hòa, dựa theo công pháp quốc tế (qua Hiệp
định Geneve 1954) là thể chế thủ đắc chủ quyền vùng đất phương Nam.
- Sau tháng 4/1975 trở đi, thể chế Cộng hòa XHCN Việt Nam thủ đắc chủ quyền thực
tế (de facto) đối với vùng đất phương Nam, và do vậy danh xưng NAM BỘ mới trở
thành tên gọi phổ cập nơi đây!
I/ NAM KỲ 南 圻
(gồm 6 tỉnh)
Vào năm 1832, vua Minh Mạng định cõi bằng danh xưng là "kỳ" 圻,
gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Cùng với sự ra đời danh xưng "kỳ", lần
đầu tiên nước Việt dùng chữ "tỉnh" 省 (trước đó gọi là
"trấn", "phủ", "thành"...) trong phân chia địa giới.
Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh, nên còn gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh" 南 圻 六 省.
Gồm: tỉnh GIA ĐỊNH 嘉定, tỉnh BIÊN HÒA 边和,
tỉnh ĐỊNH TƯỜNG 定祥, tỉnh VĨNH LONG 永隆,
tỉnh AN GIANG 安江,
và tỉnh HÀ TIÊN 河仙.
II/ COCHINCHINE (gồm 21 tỉnh)
Người Pháp khi đặt sự cai trị lên nước Việt, họ đã dựa theo - xin nhắc lại - sự
phân ranh 3 kỳ có sẵn của Nhà Nguyễn trước đó cả nửa thế kỷ, và ĐỔI danh xưng hoàn
toàn khác đi! Nam Kỳ được người Pháp gọi là "Cochinchine" (Bắc Kỳ thì
Pháp đổi là "Tonkin", Trung Kỳ là "Annam").
Thực dân Pháp lập tức xóa đi "lục tỉnh" của
Nam Kỳ, họ chia nhỏ thành 20 hạt (arrondissement). Đến năm 1899, đổi "hạt"
thành "tỉnh" (province), như sau:
Tỉnh Gia Định (thuộc Nam Kỳ, thời Nhà Nguyễn) => chia thành 5 tỉnh: GIA ĐỊNH,
CHỢ LỚN, TÂN AN, TÂY NINH, GÒ CÔNG (thuộc Cochinchine, thời Pháp);
Tỉnh Biên Hòa (Nam Kỳ) chia thành 3 tỉnh: BIÊN HÒA, BÀ RỊA, THỦ DẦU MỘT;
Tỉnh Định Tường (Nam Kỳ) đổi tên thành tỉnh MỸ THO;
Tỉnh Vĩnh Long (Nam Kỳ) chia thành 3 tỉnh: VĨNH LONG, BẾN TRE, TRÀ VINH;
Tỉnh An Giang (Nam Kỳ) chia thành 5 tỉnh: CHÂU ĐỐC, LONG XUYÊN, SA ĐÉC, SÓC
TRĂNG, CẦN THƠ;
Tỉnh Hà Tiên (thuộc Nam Kỳ, thời Nhà Nguyễn) chia thành 3 tỉnh: HÀ TIÊN, RẠCH
GIÁ, BẠC LIÊU (thuộc Cochinchine, thời Pháp).
Tháng 5/1944 người Pháp cắt một phần từ tỉnh Gia Định, lập thêm tỉnh TÂN BÌNH.
Như vậy, Cochinchine có hết thảy là 21 tỉnh.
* Người Pháp ngay từ đầu đặt chân đến đã chia ra rất
nhiều tỉnh, NHƯNG người dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng "lục tỉnh" thuở tiền
nhân định cõi. Chẳng hạn tên gọi của tờ báo do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, tờ
"Lục tỉnh tân văn", ra đời năm 1908 mặc dù lúc đó ở vùng đất phương
Nam làm gì còn "lục" (6) mà đã hai mươi tỉnh rành rành.
"Nam Kỳ lục tỉnh", hoặc "Nam Kỳ"
trở thành danh xưng chứa đựng niềm hãnh diện, nối kết với truyền thống cha ông
- mà mãi về sau của những thập niên 60, 70 (và thậm chí hiện nay) người dân nơi
đây vẫn còn ưng nhắc đến!
(mở ngoặc: trên mạng đây đó thấy ghi rằng chữ
"Nam Kỳ" mang tính chia rẽ vùng miền (?), thiệt là không hiểu lịch sử
nước nhà gì ráo trọi mà dám nói bừa viết bậy, xúc phạm tới cha ông từ thuở định
cõi phương Nam)
III/ NAM PHẦN (gồm 27 tỉnh thành)
(bản đồ vào năm 1974)
Đô thành SÀI GÒN (địa bàn gồm những quận đánh số như quận Nhứt cho tới quận
11);
Tỉnh GIA ĐỊNH (tỉnh lỵ đặt tại Gò Vấp, với địa bàn mà hiện nay gọi là Gò Vấp,
Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh, Cần Giờ, Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Bình, Phú Nhuận,
Nhà Bè, Tân Phú ...);
Tỉnh BÌNH TUY (Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, thị xã La Gi...; thời VNCH tỉnh
Bình Tuy xếp vào Nam Phần, nhưng nay sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận thuộc về miền
Trung);
Tỉnh PHƯỚC TUY (gần như là địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay);
Tỉnh LONG KHÁNH (Xuân Lộc, Định Quán, Gia Kiệm..., nay thuộc tỉnh Đồng Nai);
Tỉnh BIÊN HÒA (gồm thành phố Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh
Cửu... nay thuộc tỉnh Đồng Nai, cộng với Dĩ An, một phần Tân Uyên nay thuộc tỉnh
Bình Dương);
Tỉnh BÌNH DƯƠNG;
Tỉnh BÌNH LONG (An Lộc, Chơn Thành, Lộc Ninh... nay thuộc tỉnh Bình Phước và một
phần Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo nay thuộc tỉnh Bình Dương);
Tỉnh PHƯỚC LONG (nay là một phần của tỉnh Bình Phước gồm Đồng Xoài, Phước Long,
Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đốp...);
Tỉnh HẬU NGHĨA (Đức Hòa, Đức Huệ nay thuộc tỉnh Long An, Củ Chi nay thuộc
tpHCM, Trảng Bàng nay thuộc tỉnh Tây Ninh);
Tỉnh TÂY NINH;
Tỉnh LONG AN;
Tỉnh KIẾN TƯỜNG (Mộc Hóa...; nay thuộc tỉnh Long An);
Tỉnh GÒ CÔNG (nay thuộc tỉnh Tiền Giang);
Tỉnh ĐỊNH TƯỜNG (tỉnh lỵ là Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang);
Tỉnh KIẾN PHONG (tỉnh lỵ là Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp);
Tỉnh SA ĐÉC (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp);
Tỉnh KIẾN HÒA (thị xã Trúc Giang...; nay gọi là tỉnh Bến Tre);
Tỉnh VĨNH LONG;
Tỉnh VĨNH BÌNH (nay gọi là tỉnh Trà Vinh);
Tỉnh PHONG DINH (Cần Thơ, Châu Thành, Phong Điền, Phong Phú, Phong Thuận, Phụng
Hiệp...);
Tỉnh CHƯƠNG THIỆN (Vị Thanh, Long Mỹ, Vị Thủy...; nay tương ứng với phần lớn địa
bàn tỉnh Hậu Giang);
Tỉnh BA XUYÊN (nay tương ứng với hầu như toàn bộ địa bàn tỉnh Sóc Trăng);
Tỉnh CHÂU ĐỐC (Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn...; nay thuộc tỉnh
An Giang);
Tỉnh AN GIANG (tỉnh lỵ là Long Xuyên; nay tỉnh An Giang gồm Long Xuyên sáp nhập
với Châu Đốc);
Tỉnh KIÊN GIANG (Rạch Giá, Hà Tiên...);
Tỉnh BẠC LIÊU;
Tỉnh AN XUYÊN (nay tương ứng với hầu như toàn bộ địa bàn tỉnh Cà Mau).
IV/ NAM BỘ (gồm 19 tỉnh thành)
Nhập tỉnh rồi tách tỉnh theo dòng thời gian, đây nói về thời hiện nay (2020):
Vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương,
Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng Tây Nam Bộ: Thành phố Cần Thơ, Long An, Đồng
Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên
Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
* Kỳ 2: Các tỉnh ở miền Trung và cao nguyên (theo dòng
lịch sử)
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------
"Thương, dân lập đền thờ": (hình thứ nhứt) Đức Tả quân Lê Văn Duyệt /
(hình thứ nhì) Thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực
(hình thứ ba) Bản đồ NAM KỲ lục tỉnh (1832) / (hình thứ
tư) Bản đồ NAM PHẦN 27 tỉnh thành (1974) / hình thứ năm) Bản đồ NAM BỘ 19 tỉnh
thành (2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét