TRẢ LẠI SỰ CÔNG CHÍNH CHO NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Trong số quí bạn, dù cho không phải tín hữu Công giáo,
ắt cũng ưng lấy sự công chính mà nhìn nhận chớ không "chụp mũ" làm tổn
hại tới lòng từ bi.
1/ "Tử vì đạo" vì có liên hệ với thực dân
Pháp (?):
Cái này là "gắp lửa bỏ tay người", oan lắm
đa! Quí bạn có biết, chỉ trong vòng gần một thế kỳ rưỡi (từ năm 1740 đến năm
1883) ước khoảng 130.000 người cho đến 300.000 người bị bách hại, tử hình chỉ
vì "tội" theo đạo Công giáo! Con số tàn sát phải nói là khủng khiếp.
Trong số đó, chỉ mới có 117 vị được tuyên hiển Thánh tử
vì đạo (bởi Giáo hội Công giáo hoàn vũ), bị giết trong các đời vua chúa sau
đây:
2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767)
2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782)
2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802)
58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841)
3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847)
50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847-1883)
Mà, xin chú ý, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước
ta là vào năm 1858 sau này lận! Không lẽ những người Công giáo bị giết dưới đời
chúa Trịnh Doanh hồi năm 1740 là vì mắc tội... "hiện hồn về, bắt tay"
với quân Pháp mà mãi hơn một thế kỷ sau mới xuất hiện (1858)? Không lẽ tín hữu
Công giáo bị sát hại bởi sắc lịnh của vua Minh Mạng (1820-1841) là do có thuật
"chết rồi, sống lại để... giao du" với Pháp sau đó những hơn ba mươi
năm?
Hết thảy các đời từ chúa Trịnh Doanh, chúa Trịnh Sâm,
vua Cảnh Thịnh, vua Minh Mạng cho đến vua Thiệu Trị bách hại đạo Công giáo đều
xảy ra TRƯỚC khi người Pháp mon men đến nước Việt!
Chỉ vào đời vua Tự Đức bách hại, lúc này người Pháp mới
xuất hiện và thực hiện cuộc lấn chiếm làm thuộc địa. Nữa, xin quí bạn chú ý:
Các sắc lịnh bách hại đạo Công giáo không có nội dung
chỉ xoáy quanh mưu đồ chánh trị gì đó, mà toàn là xoay quanh việc "phạm lỗi"
đi ngược với quan niệm tín ngưỡng / tập tục "truyền thống".
2/ Các vua chúa bắt tín hữu Công giáo phải bước qua
cây Thập giá, bước qua hình tượng Chúa Giê-su: tuân lịnh thì sống, trái lịnh
thì chết.
Thấy gì? Rõ rành đây là sự bách hại thuần túy về mặt
tín ngưỡng tôn giáo; hoàn toàn không có sắc lịnh nào ban ra chỉ nhằm mục đích
"cấm giao du với người Pháp" (nhắc lại, thực dân Pháp chỉ xuất hiện
vào đời vua Tự Đức) để gọi là mắc tội cấu kết về quyền lực chánh trị với ngoại
bang, mà luôn là gán cho cái tội "tà đạo"!
Các đời vua chúa hồi đó chưa biết đến, nói thẳng là
"hủ lậu", về quyền tự do lựa chọn tôn giáo căn bản & chính đáng
trong quảng đại quần chúng.
3/ Trái ngược với ... tín ngưỡng, tập tục "truyền
thống" nên phải bị giết chết (!).
Ở đây, tôi đặc biệt nhấn mạnh, có 2 "truyền thống"
phổ biến trong lòng xã hội VN thế kỷ 18, 19. Đó là:
3a) Giáo lý Công giáo tuyên xưng từ người nông dân
chân lấm tay bùn cho đến bực vua quan quyền quí đều bình đẳng về phẩm giá - bởi
vì "mọi người đều mang hình ảnh của đức Chúa Trời".
Tín niệm này khiến cho não trạng "vua là con Trời"
(thiên tử) - phổ biến trong xã hội quân chủ - làm sao chấp nhận cho nổi! Bậc
vua chúa thì đâu thể ngang hàng về phẩm giá với dân đen!
Đạo Công giáo mang suy nghĩ đó rao giảng cho dân đen ở
nước Việt, có khác nào làm cho sự tôn quí của "con Trời" (thiên tử) mất
uy linh, gây tổn hại đến quyền lực của vua chúa?
3b) Đạo Công giáo rao giảng hôn nhân "một vợ một
chồng", ở đây quả là HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC với "truyền thống" chế
độ đa thê trong xã hội VN bấy giờ, vua chúa và các bậc quan quyền được phép có
nhiều vợ chính thức cùng lúc.
Dân đen mà càng theo Công giáo thì họ sẽ càng nhận thấy
vua chúa đa thê là "lỗi đạo Chúa"! Vua chúa nước Việt thời bấy giờ
làm sao chấp nhận cho nổi họ bị chê trách là "lỗi đạo"?
Thấy gì? Hôn nhân "một vợ một chồng" mới thực
là não trạng văn minh! (còn đa thê lại là một truyền thống cần phải bị xóa bỏ,
và quả thật - như chúng ta đang thấy - đã bị hủy bỏ!).
Đem lại phép văn minh trong hôn nhân, lại bị cho là
"tà đạo", oái ăm vậy đó.
4/ Theo đạo Công giáo là vì lợi lộc vật chất (?):
Một lần nữa, quí bạn binh tâm mà nhìn cho đúng. Xin nhấn
mạnh: dòng lịch sử ở đây là xét từ thế kỷ 18 qua thế kỷ 19, từ chúa Trịnh Doanh
cho đến vua Tự Đức, hễ ai theo Công giáo là rước lấy nguy cơ không toàn thây, mạng
sống bị đe dọa.
"Lợi lộc" nào ở đây, ngoài cái chết?
Trong rất nhiều cuộc bách hại, tín hữu Công giáo nào
mà chấp nhận bước qua thập giá, vừa không bị giết chết, lại còn được thưởng nén
bạc nén vàng. Ta nói, từ bỏ đạo Công giáo thì mới lợi lộc đó đa!
5/ Nếu ai ưng đeo cặp mắt kiếng "chánh trị"
để dò xét, hãy chú ý đến điều này:
Bất luận tổ chức chánh trị nào ở trần thế, mà hễ ai đi
theo là bị tử hình, bị triệt hạ liên tục và RÒNG RÃ CỠ MỘT THẾ KỶ thôi, tổ chức
đó tiêu vong là cái chắc - chớ không tài nào tồn tại ráo trọi!
Vậy mà, đạo Công giáo ở VN bị bách hại, bị tử vì đạo
trong ròng rã gần một thế kỷ rưỡi lận (từ 1740 đến 1883), vẫn dẻo dai một sức sống!
Vì sao? Câu hỏi này xin dành cho quí bạn chiêm niệm, suy gẫm.
TẠM THAY LỜI KẾT
Hàng trăm ngàn người VN theo đạo Công giáo bị bách hại,
đó đã là một thảm trạng khủng khiếp dành cho người công chính.
Đã vậy còn bị gán cho đủ thứ tội tình bởi lối nhìn
chánh trị thiển cận, mang tâm địa kích động thù hằn. Người công chính tiếp tục
bị gieo rắc oan khiên.
Ta nói, quí bạn bất luận theo tôn giáo nào mà mang tâm
đạo chơn chính, ắt quí bạn hiểu mọi oan khiên cần được gỡ.
Vậy mới khỏe khoắn cho tâm trí lẫn tâm hồn.
Lễ Chúa nhựt 15/11 Lễ kính Các Thánh tử đạo VN
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét