Nói đến một địa danh là nói đến vô thường.
Một vùng đất nào đó của quê hương luôn luôn biến đổi với thời gian. Tên và cảnh
trí cũng như sinh hoạt, lịch sử, văn hóa của người dân sống nơi địa danh đó
thay đổi không ngừng. Nếu không ghi lại thì địa danh ấy sẽ mất đi. Hậu thế khi
nghe đến địa danh ấy không biết nó ở đâu và thế nào.
Bài viết về An phú xã nầy ghi lại công lao
khó nhọc của một số dân gốc Bình Định (Trung Kỳ) di cư vào Nam vào đầu thế kỷ
thứ 19 để khẩn hoang. Trong số di dân nầy có dòng họ Nội, Ngoại của tác giả. Họ
Ngoại vào Nam khai phá vùng Tân Phước Khánh (H. Tân Uyên). Giòng họ Nội ở An
Phú Xã từ lúc vào Nam đến nay đã được 7 đời.
Vào thời ông tôi (đời thứ 5), cả hai họ
nội-ngoại đều sống ở An Phú Xã. Vào thời ấy, An Phú Xã mang tên là „Làng Tuy
An“, tên làng gốc ở Bình Định. An Phú Xã mà tác giả kể lại đây là An Phú Xã
trong giai đoạn 1940 đến 1963. Năm 1963 tác giả nhập ngũ, đi lính cho đến năm
1975 và sau đó sống ở nước ngoài.
I. ĐỊA DƯ
Vị trí và địa thế
An Phú Xã là vùng đất cao, rừng rậm của
tỉnh Bình Dương. Thuở xưa, vùng An Phú xã mang tên là Tuy An. Địa danh An Phú
Xã chỉ có từ năm 1945 trở về sau.
An Phú xã thuộc quận Lái Thiêu (ngày nay là
H. Thuận An) tỉnh Thủ Dầu Một (ngày nay là tỉnh Bình Dương). An Phú Xã giáp
ranh:
- với Tân Phước Khánh (thuộc H. Tân Uyên)
về phía bắc,
- với xã Bình Hòa (thuộc H. Thuận An) về
phía nam
- với các xã Tân Bình và Tân Đông Hiệp
(thuộc Q. Dĩ An) về phía đông,
- với các xã Thuận Giao và Bình Chuẩn
(thuộc H. Thuận An) về phía tây.
An Phú Xã là vùng đất cao, gọi là đất gò,
không có sông rạch hoặc ao, hồ, không có núi non. Mạch nước ở cách mặt đất hơn
10m. Toàn An Phú Xã là rừng rậm, cây to, loại cổ thụ của miền đông Nam Bộ. Rừng
có nhiều thú dữ như cọp, beo, gấu.
Xã An Phú trong khu vực hai huyện Dĩ An và Thuận An
II.LỊCH SỬ & VĂN HÓA
1/- Trước năm 1945, An Phú Xã
vẫn còn là rừng rậm, dân cư thưa thớt, sống tập trung thành từng xóm nhỏ. Bà
con hai họ nội, ngoại của tôi sống tập trung ở „Ngả Ba An Phú“ nới 2 trục giao
thông từ Dĩ An và Lái Thiêu chạy về An Phú gặp nhau. Từ ngả ba An Phú chỉ có
một con đường độc đạo chạy xuyên qua xã An Phú đến Tân Khánh về phía Bắc. Vào
thời ấy, con đường độc đạo nầy là đường đất, có đoạn trải đá, nhỏ hẹp, vừa đủ
cho hai chiếc xe ngựa chạy ngược chiều. Hồi xưa con đường nầy gọi là „truông An
Phú“ vì nó chạy giữa rừng già đầy thú dữ và gian tặc. Nhưng người dân An Phú ai
cũng biết võ nghệ (võ Tân Khánh hay võ Bình Định) nên không có ai sợ nguy hiểm
cả. Ngày nay (1966) nó là tỉnh lộ 743 rộng lớn, tráng nhựa bằng phẳng, xe cộ
chạy 2 chiều rất tấp nập.
2/- Dân chúng vào thời ấy sinh sống bằng
nghề „làm rẫy trong rừng“ dùng những tàng cây to làm lọng che cho các loại che
cho các loại cây nông nghiệp. Rẫy của ông Nội tôi cũng nằn giữa rừng già. Ông
tôi trồng các loại nông phẩm sau đây:
-
Hồ tiêu thả leo lên các cây rừng nhỏ,
-
Thơm,
-
Các loại đậu (đậu phộng, đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen),
-
Khoai lang và khoai mì,
-
Bắp và mía.
Xung quanh nhà có vườn cây ăn trái.
Ở An Phú xã không có măng cụt, sầu riêng,
lôm chôm, trái dâu, cũng không có lúa.
Ngoài nghề nông ra, dân chúng còn làm một
ít nghề khác như lò đường lò làm bánh tráng, v.v...
Tại sao phải làm rẫy giữa rừng già ? Vì
thuở ấy ở đâu cũng là rừng và dân chúnh chưa có phương tiện để khai thác gỗ và
không có phương tiện để khai hoang như ngày nay.
Ở rừng, khi mặt trời ngả bóng thì trời tối
rất nhanh, dân chúng phải rút vào nhà rất sớm, đóng cửa cẩn mật để đề phòng thú
dữ. Trong nhà chỉ có đèn dầu leo lét, tỏa ra một ánh sáng mờ. Dân chúng không
có thú vui giải trí ban đêm như đàn ca, hát xướng hoặc đánh cờ tướng. Ban đêm
cọp thường hay rình nhà, bắt người tha đi, nên không ai ra khỏi nhà.
Trung tâm sinh hoạt của An Phú Xã thuở ấy
là ngã ba An Phú, nơi ấy có trường tiểu học bằng gạch, lợp ngói, có chợ, có vài
căn phố buôn bán, có một tiệm tạp hóa nhỏ, có lò đường, có nhà máy xay lúa. Chợ
không những là nới buôn bán mà còn là nơi dân chúng trao đổi tin tức cho nhau
nghe.
Về phương tiện giao thông, chỉ có đi bộ, xe
máy, xe bò và xe ngựa. Xe ngựa là phương tiện chuyên chở công cộng.
Dân An Phú Xã là nông dân lực lưỡng, khỏe
mạnh, giỏi võ nghệ, bản tánh chân thật, tương thân tương trợ, biết chịu đựng
khổ cực, gian nguy, có tinh thần ái quốc và bất khuất. Tuy là nông dân sống xa
thành thị, lẻ loi giữa rừng già, nhưng họ có văn hóa cao như ta nhận thấy qua các
câu chuyện về người dân An Phú xã.
Năm 1942, quân Nhật chiếm đóng ngả ba An
Phú. Một số dân An Phú xã bỏ làng xóm tản cư đi nơi khác. Ba tôi đưa gia đình
về sống ở Quán Tre (làng Tân Đông Thương) không theo nghề nông vì không có đất
và không có an ninh. Ba tôi làm giáo viên dạy trường tiểu học Quán Tre cho đến
khi cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ. Người dân An Phú tạm bỏ nghề nông của tổ
tiên vì thời cuộc, học lấy những nghề mới nơi thành thị để trở lại mở mang làng
xóm sau nầy.
2/- Trong thời gian chiến tranh (1945-1954)
Dân chúng An Phú xã tham gia kháng chiến.
An Phú xã trở thành một phần của chiến khu Tân Đông Hiệp, một chiến khu nhỏ nằm
về phía tây nam của tỉnh lỵ Biên Hòa, phía bắc của căn cứ quân sự Long Phước
Thôn, phía đông căn cứ quân sự An Phú Đông. Chiến khu Tân Đông Hiệp gồm có 4 xã
là An Phú Xã, Thuận Giao, Tân Đông Hiệp, Tân Phước Khánh. Chiến khu Tân Đông
Hiệp là nơi đặt cơ quan chỉ huy và quân đội của ủy ban kháng chiến quận Thủ
Đức, Dĩ An và Lái Thiêu (Thuận An). Chiến khu Tân Đông Hiệp nối liền với chiến
khu Rừng Sát qua căn cứ quân sự Long Phước Thôn, với chiến khu Hố Bò qua căn cứ
quân sự An Phú Đông và Bình Mỹ, với “chiến khu Đ” qua Tân Uyên, với đồn điền
cao su Bình Dương, qua xã Phú Lợi.
Khi trung tướng Nguyễn Bình vào Nam lãnh
đạo cuộc chiến tranh chống quân Pháp xâm lăng, Nguyễn Bính mở hội nghị quân sự
toàn Nam Bộ tại Tân Phú Xã ngày 20.11.1945, đưa ra kế hoạch “Nam Bộ Trường Kỳ
Kháng Chiến” để đánh quân Pháp lâu dài. Năm 1946, tướng Nguyễn Bình làm tư lịnh
Q.K. 7 và gây cho Pháp tổn thất nặng nề. Chiến khu Tân Đông Hiệp là chiến khu
duy nhứt không bị quân Pháp càn quét trong cuộc chiến tranh Việt Pháp.
3/- Trong thời kỳ 1954-1963,
đất nước hòa bình dưới chế độ Ngô Đình Diệm, dân chúng An Phú Xã hồi cư, tái
lập lại làng xóm cũ. Ngày ấy là một ngày đẹp trời, khoảng hơn 100 dân An Phú tề
tựu tai ngả ba An Phú, mở lễ hội kỳ yên, xây dựng lại ngôi đình làng cũ và bầu
lại ban hội tề rồi chính thức xin phép chính quyền tái lập An Phú Xã với ban
hội tề đã được bầu ra. Hồi đó có một người dân An Phú vừa làm thẩm phán, vừa là
dân biểu quốc hội thời Ngô Đình Diệm cho nên việc xin phép tái lập làng cũ va
ban hội tề không mấy khó khăn.
Dân An Phú Xã hồi cư càng ngày càng đông,
dân cũ kéo theo dân mới. Ba tôi cùng một số bạn, phần lớn trong giáo giới trở
về An Phú Xã, mở hợp tác xã nông nghiệp, vừa sử dụng đất nhà, vừa mướn thên đất
của dân An Phú để canh tác, đem sức người, kỹ thuật cơ giới và tài chánh dồi
dào để mở mang và phát triển An Phú Xã. Rừng rậm giờ đây đã nhường chỗ cho
những cánh đồng bát ngát trồng mía, bắp, đậu, khoai. Trường học khang trang,
rộng lớn, chợ và phố buôn bán, lò đường, nhà máy xay lúa, nhà máy biến chế phân
bón và nông sản lại mọc lên theo đà phát triển của làng xóm. Đường sá được mở
rộng từ Dĩ An và Lái Thiêu đến An Phú Xã và An Phú Xã đến Tân Khánh. Đường đã
được trải đá, tráng nhựa, lưu thông dễ dàng.
Năm 1963, tôi trở lại An Phú Xã trước khi
nhập ngũ tòng quân, thì An Phú xã không còn rừng rậm nữa, mà là một nơi trù
phú, đông đúc dân cư như một chốn thị tứ, có trung tâm sinh hoạt, có vườn cây
ăn trái đặc sản của miệt Lái Thieu - Thủ Dầu Một, có những rẫy mía, bắp khoai,
đậu rộng lớn, bát ngát nằm dọc theo tỉnh lộ 743, có khu biến chế nông phẩm như
lò đường, nhà máy xay lúa, nhà máy biến chế phân bón, nhà máy biến chế nông
phẩm để bán ra các đô thị lớn. Sau năm 1975, khu vực Dĩ An, Lái Thiêu là khu
công nghiệp như khu công nghiệp Sóng Thần 2, khu công nghiệp An Phú, khu công
nghiệp Việt Nam-Singapore, khu công nghiệp Việt Hương, công ty cao su, công ty
Dacco, khu công nghiệp Đồng An v. v. …
Nhìn lại An Phú, tôi nhớ đến xóm O-Heo
trong câu chuyện “Rừng Mắm” của ông Bình Nguyên Lộc. Xin mươn câu văn của Bình
Nguyên Lộc để kết thúc câu chuyện An Phú Xã:
“… Tổ tiên ta từ ngày xưa từ miền,
từ Bắc, từ Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết. Từ xứ Ðồng Nai
nước ngọt cho tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma
thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như đàn kiến xung
phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn
đi sau vào đến nơi có chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm.
Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn...”
An Phú Xã ngày nay đã vươn mình lên từ một
khu rừng rậm, hoang vu đầy thú dữ và gian tặc để trở thành một khu nông nghiệp
và công nghiệp phồn thịnh, trù phú vì người dân An Phú Xã:
- có tinh thần yêu nước. Tinh thần ái quốc
đã cột họ với làng xưa xóm cũ mà họ đã tạo ra, và đem hết sức lực, tiền tài và
kiến thức để xây dựng và mở mang xóm làng;
- có tinh thần chịu khó, chịu đựng khó nhọc
để làm cho đất nước mở mang, trù phú, tân tiến;
- có tinh thần tương thân, tương ái để đem
người dân xứ lạ về An Phú để trở thành người dân An Phú, để cùng nhau đem sức
lực, kiến thức, tài giỏi và phương tiện để kiến thiết và mở mang xứ sở.
Hoa Kỳ giàu có và hùng mạnh như ngày nay
cũng nhờ vào dân tứ xứ đến Hoa Kỳ và xây dựng đất nước nầy.
III. VÀI CÂU CHUYỆN VỀ AN PHÚ XÃ
1/- Lính Nhật ăn nầng nướng
Năm 1942, quân Nhật chiếm đóng ngả ba An
Phú. Ai cũng biết lính Nhật là tàn ác, giết người không gớm tay. Vậy mà quân
Nhật cũng chịu thua dân An Phú. Có côu chuyện truyền khẩu về việc dân An Phu
cho quân Nhật ăn nầng nướng như sau:
Củ nầng là một loại củ rừng có dây leo. Củ
nầng giống như củ “từ cuồi” nhưng lớn lắm, từ một đến hai gang tay. Củ nầng có
chất độc thuộc loại hallucinogenes, làm cho con người cảm thấy những hình ảnh
kinh dị, quái đản, làm cho người ăn lên cơn điên rồi sau đó họ ngủ say như say
rượu. Củ nầng nướng tỏa ra một mùi thơm rất hấp dẫn. Người dân An Phú lân la
với lính Nhật, cho họ thấy củ nầng, cho họ thấy dân chúng ăn củ nầng trộn với
nếp (xôi nầng). Sôi nầng rất dẻo và thơm. Họ ăn thử thấy ngon và rất thích. Cá
đã cắn câu. Một hôm nọ dân An Phú mang vào đồn cho lính Nhật mấy củ nầng đã
nướng sẵn, thơm phức. Chúng cứ tưởng nầy nướng cũng nầng trộn với xôi, tranh
nhau ăn. Chỉ một lúc sau, chúng la lối, có những cử chỉ lạ lùng rồi nằm lăn ra
ngủ. Dân làng chỉ chờ lúc nầy tấn công vào đồn lấy vũ khí, đạn dược, quân dụng
và tài liệu mật của quân Nhật, nhưng không giết một ai.
Quân nhật mất hết vũ khí như cua gảy càng,
không làm gì được ai.
Ngày hôm sau, quân Nhật ở nơi khác đến mở
một cuộc ruồng bố. Dân làng đã rút sâu vào rừng. Quạn Nhật không dám tiến sâu
vì sợ bị tấn công hay phục kích. Dân làng biết đường đi trong rừng, còn quân
Nhật thì không. Dân làng tiếp tục làm rẫy giữa rừng. Tình trạng nầy chỉ kéo dài
khoảng một năm thì quân Nhật rút lui khỏi ngả ba An Phú.
Câu chuyện lính Nhật ăn nầng nướng cho thấy
dân trí của người dân An Phú Xã.
1. Họ biết biến chế một củ rừng độc thành
một chất ăn ngon. Củ nầng sau khi gọt vỏ và thái thành lát mỏng, ngâm vào nước
một ngày một đêm, gọi là “tẻ” để cho các chất độc trong củ nầng tan vào nước.
Tẻ như thế nhiều lần thì củ nầng không còn chất độc nữa và có thể trộn vào nếp
nấu xôi ăn rất ngon và không độc.
2. Họ biết áp dụng chất độc của củ nầng để
đánh quân Nhật, làm cho quạn Nhật nản chí mà phải rút lui.
2/- Về câu chuyện gác cu:
a/- Lời tác giả
Tôi nhớ mãi câu chuyện nầy vì tôi bị Ba tôi
cú đầu đau điếng khi tôi hỏi Ba tôi tại sao gác cu là ngu ? Ba tôi bảo rằng
người nào làm câu ca dao ấy thật không hiểu nguồn gốc của việc gác cu và gác cu
như thế nào:
- Gác cu không phải là bẩy chim, tức là cột chim mồi
dưới đất rồi rắc đậu hay lúa cho nó ăn. Các chim khác thấy vậy cũng bay xuống
ăn. Người gài bẩy liền giật dây làm cho 2 cánh bẩy sập lại mà bắt chim.
- Chim cu là chim rừng, khôn ngoan, đa tình và dũng
cảm. Tiếng cu gáy là tiếng thử thách và dụ dỗ. Cu trống ghét nhau tiếng gáy, cu
mái nghe tiếng gáy là những lời mời mọc tình tứ. Chim cu thường đi ăn có cặp. Cu
mái nghe tiếng hát của cu mồi liền bay đến. Cu trống nghe tiếng hót của cu mồi
thì tức tối bay đến đá. Người dân biết đặc tính nầy của chim cu nên huấn luyện
cu mồi để bẩy chim cu.
- Chim cu là một loại chim khôn ngoan, biết
nhận ra chủ nuôi ở đàng xa và cất tiếng hót chào đón mỗi khi chủ nuôi đi xa hay
đi rẫy về đến cổng nhà. Người dân rừng biết như thế, nên dùng “reflex
conditionné” để huấn luyện cu rừng thành cu mồi, khiến cu mồi cất tiếng hót
theo hiệu lênh của người chủ nuôi.
- Gác cu không phải là một nghề để sinh sống, mà là
một môn giải trí của người nông dân làm rẫy giữa rừng già. Người dân rừng không
thiếu thịt, cũng không bẩy chim cu để đem ra chợ kiếm tiền, cũng không ngồi núp
trong bụi cây để chờ bẩy sập mà bắt chim cu. Trong băng nhạc Thúy Nga Paris 76,
văn sĩ Nguyễn Ngọc Ngạn cũng không hiểu kỹ thuật gác cu và ý nghĩa của việc gác
cu, cho nên giảng sai lầm về gác cu. Vì vậy nên tôi theo lời giải của Ba tôi mà
thanh minh cho người An Phú.
Thiện Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét