Lò
gốm mang tên Chòm Sao vốn đã có tiếng từ đầu thế kỉ 20 qua truyện ngắn của nhà
văn Bình Nguyên Lộc. Trên con đường đi tìm lò gốm nổi tiếng này, chúng tôi đã
đến xã Hưng Định, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.Tại đây, chúng tôi đã được
cán bộ xã đưa đến các địa danh từng một thời nổi tiếng như chợ Búng, Rạch Bùng,
sông Búng, phố Tàu, lò gốm cổ mang tên ông Hai Ca, gò ông Ba Sành…
Hưng Định nằm ở khoảng giữa của hai vùng
gốm cổ lớn ở thế kỉ 19 - thế kỉ 20 là Lái Thiêu và Thủ Dầu Một. Sông Búng chảy
qua địa phận xã là một nhánh của sông Sài Gòn cùng với hệ thống kênh rạch chằng
chịt từng là mạng lưới thông thương quan trọng. Thế kỉ 18 mới có các cư dân đến
đây lập nghiệp và đến đầu thế kỉ 19 Hưng Định được triều đình nhà Nguyễn cho
phép thành lập làng. Hưng Định ngày nay có 3 ấp là Hưng Phước, Hưng Thọ và Hưng
Lộc. Các lò gốm tập trung nhiều nhất ở ấp Hưng Lộc. Khu lò gốm Chòm Sao (địa
phương gọi là lò chén Chòm Sao) thuộc ấp Hưng Lộc, nơi trước đây có cây sao cổ
thụ phải 3 người ôm mới hết. Lò Chòm Sao thủa ban đầu do các thợ gốm Triều Châu
(Quảng Đông) dựng lên. Họ chuyên sản xuất các loại bát, đĩa men trắng vẽ lam
hình rồng, phượng, hoa cúc, con gà…sau đó là người Hẹ và một số nhóm khác cũng
tới vùng này lập lò gốm. Hiện ở Hưng Lộc có các họ người Hoa là: họ Dương, họ
Vương, Lí, Trần, Kha, Tiêu, La…Họ ở tập trung trong 4 xóm. Tại đây có 4 miếu
trấn 4 hứơng, hướng đông là của họ Vương, hiện là họ có cơ sở sản xuất lớn và
lâu đời ở đây. Thợ gốm Hưng Định không còn chuyên làm một số loại sản phẩm như
trước đây nữa. Ngoài bát, đĩa, người ta còn sản xuất cả khạp (vại), chậu hoa,
lư hương, tượng động vật như chó, gà ,ếch, sư tử , hổ, voi, kì lân…
Kề sát với Hưng Định là Thạnh Hoà, trước
ngày giải phóng, có một số cơ sở làm gốm từ Sài Gòn về đây lập lò gốm đã thuê
khá nhiều thợ gốm Hưng Định về làm.
Cao lin làm gốm của các lò ở Hưng Định cũng
là từ vùng Đất Cuốc (huyện Tân Uyên), và caolin Đà Lạt. Người ta cũng đã có lúc
lấy cả caolin Chí Linh (Hải Dương), nhưng theo các thợ gốm ở đây, caolin Chí
Linh mặc dù rất tốt, nhưng không thích hợp với việc sản xuất đồ gốm kích thước
lớn. Caolin Đất Cuốc màu trắng hơi ngả vàng, xốp, hạt cát trắng, mịn dùng làm
xương gốm. Đất làm gốm được đưa vào bể lọc, khuấy đục, được dẫn vào bể lọc thứ
hai. Tại đây cát nặng hơn, chìm xuống, tinh caolin nổi lên, được đưa vào bể
lắng để loại bỏ tạp chất hữu cơ khác ,sau đó lại thay nước nhiều lần, đến khi
xả nước ra thấy trong là được. Sau khi dã lọc xong, caolin được phơi khô để làm
cốt.
Đất làm bao nung lấy ở Gò Đình (thuộc thị
trấn An Thạnh, huyện Thuận An). Đất ở đây màu vàng lẫn đỏ, không cần lọc. Thành
phần của đất lẫn sỏi son, cát. Muốn lấy đất, phaỉ đào giếng, đường kính khoảng
1,2m. Đất lấy ở độ sâu 6 m Lò gốm xây bằng gạch, Đất làm gạch và xây lò
lấy từ ấp Bình Thuận (Xã Thuận Giao). Đất ở đây mầu vàng, dẻo, thành phần gồm
cát vàng, có một ít tỉ lệ caolin.
Cát làm men phải là loại cát mịn, tơi, nhẹ,
trắng trong. Trước đây người ta dùng men tro trấu. Hiện nay dùng men đá .
Phương pháp tạo dáng đồ gốm chủ yếu là đổ
khuôn. Đồ gốm có men thì dùng bao nung. Bao nung đáy bằng dùng nung các loại
bình đựng hoa, lư hương. Bao nung của vùng Tân Phước Khánh đáy lồi, còn bao
nung ở đây, đáy lõm. Bao nung đĩa có đường kính 25cm, cao 7cm, sâu 5cm, dày
1cm. Bao nung bát, đường kính 17 cm, cao 5,5cm, sâu3,5cm, dầy 1cm. Trước đây,
các loại gốm như lu, khạp được coi là của người Phúc Kiến và ở đây là lò của
người Triền Châu, chỉ sản xuất bát, đĩa, bình hoa, thì ngày nay người ta làm cả
lu, khạp (hũ lớn).
Khạp có các cỡ như sau:
Khạp nhất dung tích chứa khoảng 24lít, khạp
nhì 60 lít, khạp ba 40 lít, khạp tư 20 lít. Cách gọi này có lẽ do thói quen,
bởi khạp mười lại là loại có đường kính miệng là 10cm. Khạp nhì có đường kính
miệng 35cm. Các loại nhỏ hơn nữa thì gọi là hũ.
Cách tạo đồ gốm đều theo lối đổ khuôn rồi
sửa trên bàn xoay.
Lò nung gốm ở Hưng Định có hai loại: lò bao (còn gọi là lò
căn) và lò ống. Nhưng ở đây người ta chủ yếu sử dụng lò ống .
Lò ống : Gồm có 3 phần : Căn bầu, thân lò và ống khói.
Căn bầu được đào sâu xuống lòng đất 2m. Lò xây bằng gạch chịu lửa, kích thước
27cm ´ 17cm´ 5,5cm. Nền lò hình thang, lát gạch chịu lửa, có
nhiều bậc cấp, mỗi bậc cách nhau 15cm, được làm dốc dần lên phía cuối lò. Lò
dài nhất tới70m. Các lò trung bình dài khoảng 30m. Mỗi bên thân lò có từ 3-5
cửa ra vào lò, tuỳ vào độ dài của lò. Lò ống chỉ có một ống khói duy nhất ở
cuối lò, mỗi bên sườn lò có các lỗ chụm củi (tiếp củi). Vòm lò, dày 0,20m, được
cuốn bằng gạch lưỡi búa. Vòm làm cao dần từ 2m đến hơn 3m. Lò ống không có các
vách ngăn ở thân lò.
Lò bao : là một dạng của lò rồng, cũng có 3 phần như lò ống.
Nền lò dốc dần lên. Lò có nhiều ngăn. Mỗi ngăn có các cửa dẫn lửa thông với
nhau ở chân các tường ngăn. Mỗi ngăn có một cửa ra vào lò, hai ngăn chung một
lỗ chụm củi (tiếp củi) và một trụ đỡ. Chiều cao và chiều rộng của mỗi ngăn tăng
dần theo chiều dài của lò. Lò bao có thể làm dài đến 100m. Lò bao có thể có tới
vài chục lỗ thoát khói.
Nhiên liệu dùng nung gốm là các loại cành củi rừng như cây
sếu, cò ke ,quí hương… Còn hiện nay người ta dùng cành cây cao su là chủ yếu.
Làng Hưng Định chính là lò gốm Chòm Sao
trước đây của người Hoa từ Triều Châu sang lập nghiệp, trong đó có lò gốm của
ông chủ lò mang tên Dương Pho.
Hưng Định trong lịch sử đã có những đóng
góp đáng kể vào sự phát triển của vùng gốm Lái Thiêu và Thủ Dầu Một.
Nghề làm gốm ở đây góp phần quan trọng vào
việc tìm hiểu lịch sử phát triển gốm cổ của vùng Sài Gòn- Gia Định xưa./.
Trần Anh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét