Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Linh mục Louis-Marie Joseph Martin (Nghi)

Linh mục Louis-Marie Joseph Martin (Nghi)



-         Sinh ngày 24. 08. 1851 

-         Tại Nîmes, Giáo phận Nimes, Pháp quốc

-         Được rửa tội tại nhà thờ Ste Perpétue ở Nîmes.

-         Khoảng năm 18 tuổi đăng vào quân đội giáo hoàng (chỉ vài tháng) ở Ý, sau đó giải tán đội binh, Ngài về Pháp

-         Sau đó gia nhập Đại Chủng viện Avignon

-         Ngày 22. 05. 1875: chịu chức phó tế (Thầy Sáu)

-         Ngày 29. 09. 1875 vào chủng viện Thừa Sai

-         Thụ phong linh mục ngày 23. 09. 1876 

-         Ngày 30. 11. 1876 đến Tây Đàng Trong, học tiếng Việt và phong tục tập quán Việt Nam ở họ Cái Mơn

-         Sau đó làm Tuyên úy quân y viện ở Mỹ Tho vài tháng.

-         Năm 1878 - 1885: Coi sóc họ Rạch Dầu

-         Năm 1885 – 1890: Chánh sở Chợ Lớn

-         Năm 1890 – 1892: Chánh sở Bà Rịa, và xây nhà cha sở ở đó (Phước Lễ), 18 tháng nghỉ ở Pháp vì đau yếu, Cha Lambert thay Ngài coi xứ Bà  Rịa.

-         Tháng  12. 1894 – 1896: Trở lại coi sóc họ Bà Rịa (Phước Lễ)

-         Tháng 12. 1896 – 1901: Hướng dẫn các nữ tu Dòng Thánh Phaolô ở Sài Gòn

-         Năm 1901 – tháng 08. 1916: Chánh sở Búng

-         Ngày 08. 08. 1916: Qua đời đột ngột ở Sài gòn (lúc đi chữa bệnh)




Chữ ký vào Sổ Rửa tội của cha Martin ở Búng


Xin xem thêm: Joseph MARTIN

CHA MARTIN - THỪA SAI Ở ĐỊA PHẬN TÂY ĐÀNG TRONG

MARTIN Louis-Marie-Joseph, sanh ra tại họ Sainte-Perpétue ở Nîmes (Gard), ngày 24 tháng 8 năm 1851. Vào Đại Chủng viện Avignon và chịu chức phó tế  ngày 22/05/1875. Ngày 29/09/1875 gia nhập Chủng viện Thừa sai và chịu chức Linh mục ngày 23/09/1876. Đi địa phận Tây Đàng Trong ngày 30/11/1876. Qua đời tại Sài Gòn ngày 08/08/1916.

Cha Martin đến từ Nîmes, một thành phố Gallo-Roman cổ. Cha sinh năm 1851 và được rửa tội tại họ đạo quê nhà Sainte-Perpétue. Chúng tôi biết rất ít về thời thơ ấu của cha, vì sự kín đáo và khiêm tốn, cha hầu như không chia sẽ tâm tình cá nhân. Cha xuất thân trong một gia đình ngoan đạo. Anh trai của cha hiện là nhà truyền giáo Dòng Tên ở Ấn Độ; thân mẫu của ngài, một bà góa phụ, đã mặc áo dòng và dâng hiến cho Chúa những năm cuối đời, trong cộng đoàn các nữ tu Sacramento ở Bollène.

Khoảng năm 18 tuổi, với tinh thần mộ đạo và lòng sùng kính Giáo hội, cha đã noi gương các thanh niên Công giáo từ khắp các quốc gia, những người đã không ngần ngại cầm vũ khí để chống lại kẻ thù của Tòa thánh bằng vũ lực, được sự đồng ý của gia đình, cha nhập ngũ vào quân đội Giáo hoàng. Cha không có vinh dự được chiến đấu lâu dài, vì chỉ trong vài tháng, quân đội giáo hoàng đã giải tán và cha trở lại Pháp quốc.

Sau đó, cha quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa. Cha vào Đại chủng viện ở Avignon. Sau khi được truyền chức Phó tế, cha đã xin và được phép vào chủng viện của Hội truyền giáo Hải ngoại ở Paris. Cha hoàn tất các khóa thần học tại đây và được thụ phong linh mục vào ngày 23 tháng 9 năm 1876. Cha nhận nhiệm sở truyền giáo tại địa phận Tây Đàng Trong, nơi cha sẽ làm việc trong 40 năm. Đức Cha Colombert, lúc đó là đại diện Tông tòa, đã gửi cha đến họ Cái Mơn để học ngôn ngữ và phong hóa của Việt Nam. Khởi từ đó, Cha Martin đi Mỹ Tho làm tuyên úy cho Quân y viện mấy tháng. Năm 1878, Cha được giao phụ trách họ Rạch Dầu nằm bên bờ sông Cửu Long. Khởi đầu không mấy dễ dàng: còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, cha phải sắp xếp lại mọi thứ; nhưng vì tính cần cù, cha đã sớm biến Rạch Dầu trở thành một họ đạo chuẩn mực. Cha lần lượt cai quản họ Chợ Lớn, họ Bà Rịa và họ Búng. Ở mọi nơi, cha làm việc với lòng nhiệt thành của một chủ chăn hết mình vì đoàn chiên. Trên hết, chúng tôi nhận thấy tinh thần đức tin và sự kiên định của ngài với những quy tắc sống mà cha đã vạch ra cho mình. Luôn siêng năng đọc kinh, cầu nguyện. Suốt cuộc đời, cha hằng giữ được sự đúng giờ, đều đặn của một chủng sinh. Cha tôn trọng tất cả mọi người. Đối với những người không biết rõ về cha, đôi khi cha tỏ ra tiết kiệm đến mức tằn tiện. Quả thực, cha có một cách cho đi. Cha tiết kiệm trong những điều nhỏ nhặt, nhưng trong những điều lớn lao, cha rất rộng rãi và hào phóng. Sở hữu một số tài sản cá nhân nhứt định, cha đã sử dụng nó vào những việc to tát và những công trình xây dựng hữu ích cho sứ mệnh. Cha giúp chủng viện ở Sài Gòn. Họ Bà Rịa và họ Búng nợ cha những ngôi nhà cha sở đẹp đẽ, khang trang và kiên cố; Hai trường học ở họ Búng cũng được xây dựng phần lớn bằng chi phí của ngài.

Cha Martin ở tuổi 65 có một thể chất khỏe mạnh, có thể hy vọng giúp ích cho Hội thánh nhiều năm sau nữa; nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã định thể khác. Cha đi Sài Gòn chữa bịnh đau thắt ngực, cha tin chắc rằng sau vài ngày điều trị, cha có thể trở về nhiệm sở của mình ở Búng, nhưng căn bệnh tiến triển nhanh đến nỗi hai ngày sau khi vào phòng khám của bác sĩ Angier, cha gần như đột ngột qua đời vào ngày 08 tháng 08 năm 1916, sau khi nhận những bí tích cuối cùng.

Sự qua đời đột ngột nầy có thể khiến cho nhiều người bất ngờ, nhưng dường như với cha, mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng, không sợ hãi và không tiếc nuối.

Hỡi những tôi tớ tốt lành và trung tín của Thiên Chúa, hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi.

 

 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét