ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Con đường Đoàn Công Quí: Phép khai mở mắt thần

Con đường Đoàn Công Quí: Phép khai mở mắt thần


Mắt thần là con mắt thứ ba. Mắt này mà được khai mở hoặc giác ngộ thì thần thông vũ trụ, thấu suốt được lòng người cả tim gan phèo phổi cõi sâu cõi nông theo ngôn ngữ tâm lý bây giờ. Nhiều người thì chỉ coi đó là chuyện vui như một ao ước chẳng bao giờ có được. Nhưng nhiều truyền thống vẫn tin rằng mắt thần có thực. Người Ấn Độ thường vẽ con mắt thứ ba bằng một chấm đỏ trên trán ngay giữa hai mắt. Mấy người khoa học bèn tìm cách thí nghiệm xem có phải do hai hạch Pituary ở trán và Pineal trong óc không. Thôi thì cứ tha hồ mà đoán mò. 

Nhưng có điều chắc chắn là lịch sử đã ghi nhận có nhiều người đã thấy được cái mà nhiều người khác không thấy bằng con mắt thịt. 

BÙA PHÉP TRONG TRẬT TỰ MỚI 

Bước sang ngàn năm thứ ba, người ta có dịp nhìn lại văn minh con người qua bao thời đại. Văn minh từ nông nghiệp chuyển sang văn minh kỹ thuật của mấy thế kỷ qua đã đội mũ triều thiên ưu thế cho các nước Âu Mỹ. Rồi sau trận chiến vùng Vịnh thắng Iraq, hay nói khác hơn, là xóa được sức vùng dậy cuối cùng của văn minh Ả Rập đối kháng với văn minh kỹ thuật Âu Mỹ, tổng thống Bush của nước Mỹ đã ngang nhiên nói tới một trật tự mới. Và người ta bàn về trật tự vòng đai Thái Bình Dương, mà Mỹ đương nhiên phải là “trung quốc”, là trọng tâm và tiêu chuẩn giá trị để mọi “hành tinh” xoay quanh. Trật tự cũ của vòng đai nông nhiệp Địa Trung Hải như Roma, Hy Lạp bên Âu, và “Trung” Quốc bên Đông cũng đã là “rốn vũ trụ”, nay chỉ còn tìm thấy vết tích trong viện bảo tàng hoặc trong Tam Quốc diễn nghĩa do Tử Vi Lang dịch thuật mà thôi. 

Từ vòng đai Địa Trung Hải văn minh nông nghiệp đã phải nhường bước cho văn minh cơ khí của vòng đai Đại Tây Dương với Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan.... Nền văn minh này một thời cũng tự phong cho mình cái quyền chia nhau đi bắt các nước Á Phi, Nam Mỹ quì dưới chân mà phục lạy ánh sáng phương Tây qua chính sách thuộc địa, thì nay cũng đã bế mạc chương trình để theo đi tàu ngầm với ông De Gaulle... Đám táng nền văn minh này được tổ chức trong một cảnh hữu nghị “môi hở răng lạnh” của cái bàn chia chác trên một chiếc tàu hồi nào giữa Rossevelt (rồi Truman), Stalin, và Churchill. Sau đó là chiến tranh lạnh, chiến tranh được xếp đặt trước, hai phe phải khéo đóng kịch gầm gừ nhau làm như bom nguyên tử sắp sửa tiêu hủy thế giới đến nơi, cho các đàn em sợ hãi mà đi vào khuôn cho phải phép. 

Và bây giờ xem ra 8 anh nhà giầu tự phong chức cho nhau trong những lần hội nghị kinh tế thượng đỉnh thế giới để chia chác kiểu mới: chỗ này phần mày, chỗ kia phần tao, liệu mà biết điều với nhau. Có chụp hình lưu niệm, bắt tay ríu rít. Một số nước Đông Nam Á “may mắn” được ở trong vòng đai kinh tế của trật tự mới Thái Bình Dương như Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba, Hồng Công, đang hãnh diện biết uống Coca, biết nhai kẹo cao su, và rủng rỉnh xu hào Mẽo. Việt Nam ta vốn tự hào là con của bố rồng bự là Lạc Long Quân và bà tổ là Long Nữ, vậy mà vẫn chửa thấy “trứng rồng lại nở ra rồng”. Bằng chứng là bây giờ người mình chỉ có một ước mơ được trở thành một con rồng nhỏ theo đuôi mấy con rồng Á Đông kia mà hy vọng vào được trật ự mới cũng không nổi. 
Thì ra là trong tật tự mới, đồng đô la đang là phép bùa có thể khai mở mọi thứ mắt. Thấy đô la là mắt phải sáng lên. Trật tự mới mà cũng là tiêu chuẩn mới để đo mọi giá trị. Đồng đô la mới là đỉnh cao trí tuệ trong trật tự mới. Có đô la mới có quyền ăn nói, mới “mua tiên cũng được”. Vạn tuế đô la! 

MÙI ĐU ĐỦ XANH 

Nhưng rồi xã hội này đang phải trả giá. Những hồ hởi của nền văn minh vật chất đã đến hồi mệt mỏi. Hiến chế của Công Đồng Vatican II về Giáo Hội trong thế giới ngày nay đã nói tới vui mừng và hy vọng, nhưng đồng thời cũng nói trước về nỗi lo âu và khắc khoải. Con người đang đánh mất hạnh phúc trong tầm tay để chạy theo ảo ảnh, đang tự đuổi mình ra khỏi vườn địa đàng như Ađam và E-Và. 

Nhiều nhà văn hóa đang tìm những lối thoát mới. Sau những thành công của phim Hội Phúc Lạc (The Joy Luck Club), Vườn Bí Mật (The Secret Garden), một phim khá nổi tiếng do đạo diễn người Việt là Trần Anh Hùng được chiếu tại các rạp Mỹ. Đó là phim Mùi Đu Đủ Xanh. Ong chủ nhà giàu trong phim là hình ảnh “ông cường quốc kinh tế trong trật tự mới”. Ong đang đánh mất hạnh phúc, không bao giờ biết cười. Có vợ con đầm ấm mà lại chỉ thích đi tìm niềm vui mãi đâu đâu. Mắt ông tối lại, sống cô độc, và chết trong chán chường. 

Trái lại, Mùi là cô bé nhà nghèo phải đi ở đợ, thì có nụ cười lúc nào cũng tươi, mắt lúc nào cũng sáng lên long lanh. Cô bé thích thú hút hồn nhìn ngắm sức sống từ cành lá xanh cây đu đủ, từ động tác của con dế, từng giọt nắng mới, từng tiếng mưa rơi hay tiếng kêu lách tách trong chảo nấu đồ ăn. Một cách nào đó, bé Mùi đã được khai mở mắt thần, giống như thằng Bờm thấy được hạnh phúc đơn giản nơi nắm xôi với cái quật mo, chứ không phải ba bò chín trâu như “trật tự mới” của phú ông.

Thì ra trong máu người Việt vốn đã có chất khai mở con mắt thứ ba rồi đấy. Hạnh phúc đâu có quá phức tạp như thế giới loài người đang vất vả đi tìm. Bí quyết khai mở này được tìm thấy nhan nhản trong Phúc Âm. Nước Trời, vườn địa đàng hạnh phúc thuôc về những ai có con mắt như trẻ thơ, con mắt thứ ba được khai mở để thấy được “nước Trời đang ở giữa”. 

Và con người đang chờ một nền văn minh mới để bước vào thiên kỷ mới, một nền văn minh có thể khai mở mắt thần. 

Thánh Đoàn Công Quí làm chứng phép khai mở mắt thần

Đạo Công Giáo là đạo của Tin Mừng, chỉ cho thấy con đường tìm thấy niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng trên thực tế người Công Giáo có tin gì thật mừng để tỏ lộ ra được qua nếp sống thường ngày hơn những người ngoài Công Giáo không? 

Tử đạo theo nguyên nghĩa là làm chứng, là tỏ lộ một điều gì thật mừng. Một người vừa trúng số hay khám phá ra một kho tàng, thì nét mặt hân hoan. Một nghệ sĩ sáng tác thì dồn hết tâm huyết vào tác phẩm mình, ánh mắt rực sáng bất kể phải hy sinh thời giờ và sức lực. Những người này làm chứng bằng niềm vui thấy được cái mà người khác không thấy. 

Mắt thần của Thánh Đoàn Công Quí 

Mắt thần chính là con mắt đức Tin. Con mắt này được khai mở thì thấy được  Chúa đã sống lại, đang hiện ra và hiện diện trong cuộc sống mọi ngày cho đến tận thế. Và nơi nào có Chúa thì đó là nước Chúa, nơi đầy đủ mọi giàu sang hạnh phúc, vì có Chúa chẳng còn thiếu thốn chi. Vì Chúa là Đấng toàn năng, là nguồn mọi ơn phúc. Thầy đến để chúng con được sống, mà sống sung mãn (Gioan 10:10). Chỉ cần mở con mắt đức tin là thấy đã có hết mọi sự. Chúa Giêsu đã mở đầu tin mừng bằng lời công bố: Nước Trời đã ở gần bên. Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. 

Mẹ Maria đã được khai mở con mắt này, nên Mẹ luôn đầy ơn phúc. Mẹ luôn thấy “Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu”. Phúc cho Chị vì Chị đã tin. 
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí là một nhạc sĩ và là một thi sĩ. Ngài đúng là một nghệ sĩ theo nghĩa tích cực nhất. Ngài đã cảm nghiệm được tin mừng bằng con mắt đức tin, thấy được Chúa trong bổn phận thường ngày, thấy được con đường đạt hạnh phúc trong ngay cả những gian nan khốn khổ. Trước khi bị chém đầu tại pháp trường vùng Châu Đốc , Ngài đã nói với giáo dân bằng chính lời Chúa:  

“Anh em hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước hết”.  

Vì thấy được Chúa luôn hiện diện và an bài, Thánh Đoàn Công Quí đã nhận ra những bước chân của Chúa qua mọi chuyện xảy ra cho mình. Trong những lúc khó khăn, Ngài luôn cầu nguyện để biết ý Chúa muốn xếp đặt thế nào cho mình. 

Thấy tay Chúa dẫn dắt xếp đặt 

Thánh Phêrô Đoàn Công Quí sinh năm 1826 tại họ Búng, tỉnh Bình Dương. Cha là Antôn Đoàn Công Miêng và mẹ là Anê Nguyễn Thị Thường. Ngay từ nhỏ cậu Quí đã muốn đi tu, nhưng cha mẹ thấy cậu thông minh và là con út nên giữ lại nhà mà chỉ cho người anh đi tu thôi. Nhưng ý Chúa lại khác. Sau một thời gian, người anh tu không được phải trở về, năm 1847 cha mẹ mới bằng lòng cho cậu Quí lúc đó đã 21 tuổi được vào chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè. Và một năm sau thì Thầy Quí được gửi đi du học tại đại chủng viện của Hội Thừa Sai Paris bên Penang, Mã Lai.  

Sau 7 năm du học triết học và thần học, Thầy Quí trở về nước năm 1855, giữa lúc cuộc bắt đạo của vua Tự Đức đến lúc gay gắt cao độ nhất. Nhà vua ra sắc dụ phân tán mọi gia đình Công Giáo, phá hủy các nhà thờ và cơ sở tôn giáo, lùng bắt các linh mục. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, Thầy Quí vẫn nhận lệnh Đức Cha đi giúp giữ vững tinh thần và dạy giáo lý tại các họ đạo. Thầy có biệt tài về ca nhạc, sáng tác nhiều bài hát đạo và thích hát những bài về Đức Mẹ. Về sau trong lớp cháu chắt của Ngài có cha Phaolô Đoàn Đạt cũng rất giỏi nhạc. 

Và sau 3 năm giúp xứ, tháng 9 năm 1858 Đức Cha đã truyền chức linh mục cho Ngài tại nhà thờ Thủ Đầu Một, lúc đó Ngài được 32 tuổi. Sau một thời gian phục vụ tại các Họ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, Cha Quí được bổ nhiệm làm phó xứ Cái Mơn tỉnh Vĩnh Long. Chỉ sau ba tháng về Cái Mơn, Cha đã bị truy lùng. Quân quan đã bao vây dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn ngày 10 tháng 12 năm đó để khai thác chỗ các cha trốn ẩn. Nghe tin các nữ tu bị bắt, Cha Quí muốn nộp mình để lính tha cho các chị. Cha đã viết thư lãnh ý bề trên nơi cha chính Borelle Hòa:  

“Thưa cha, thật con đang ở giữa những nguy hiểm, nhưng Chúa đã giữ gìn chưa để con bị bắt, vì tội lỗi con còn nhiều chưa được phúc chịu khổ vì Chúa. Oi ngày xưa Chúa Cứu Thế đã phải chết treo trên Thánh Giá, con thật chưa xứng đáng. Con mong ước được đến nhà tù để khuyến khích các người xưng đức tin. Khi nào cha mới cho phép con làm điều đó?”   

Cha Chính Hòa đã không cho phép làm như thế, và Ngài đã tuân theo vì nhận ra ý Chúa qua ý bề trên. Từ đó Cha phải cải trang làm thường dân, đi thăm mục vụ và cử hành bí tích cách âm thầm.

Đức Tin làm được phép lạ: xiềng xích thành vòng đeo quí giá 
Niềm tin mọc cánh chim Âu
Lòng đầy thần lực tuôn trào suối thiêng. 
Đức tin có thể chuyển núi rời non. Con mắt đức tin của Ngài đã thấy được phúc lành nơi cái chết vì Chúa, và thấy mọi đau khổ được biến đổi trong cái nhìn mới như có lần Ngài đã bày tỏ:  

“Chớ thì tôi không được diễm phúc chiến đấu và chết vì danh Chúa sao. Ước gì xích xiềng trở thành những vòng đeo quí giá, gông cùm thành vòng đeo tay. Hãy xem bao nhiêu bạn hữu đã được ngành lá chiến thắng, còn tôi như người lính canh bị quên bỏ. Oi lạy Chúa, xin ban phúc tử đạo cho con”. 

Ngày 27 tháng 12 năm 1858, Cha Quí được lệnh đi làm cha sở họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang, nơi có ông Lê Văn Phụng làm trùm trưởng đang hết mình dấn thân cho Hội Thánh qua cho họ đạo. Nhờ vị thế Họ Đầu Nước nằm trong một cù lao ngăn cách bằng những con sông lớn, nên dù trong thời kỳ bắt đạo khủng khiếp như vậy mà ông Lê Văn Phụng vẫn khôn khéo xếp đặt và tiếp tục xây nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng, dạy giáo lý, đào hầm cho các linh mục trốn ẩn ngay trong nhà mình để lo thánh lễ và các bí tích cho giáo dân. Nhưng rồi những hoạt động này cũng khó thoát khỏi sự dòm ngó của các quan. Tin đồn có các linh mục trốn ẩn ở Cù Lao Giêng được nhiều người biết. Nghe vậy, cha chính Borelle Hòa liền nhắn Cha Quí tạm thời trốn đi khỏi xứ. Nhưng Cha Quí cảm thấy trách nhiệm chủ chiên và sự hiện diện của mình giữa đoàn chiên trong cơn giông bão thật là cần thiết. Tuy nhiên Cha vẫn lắng nghe ý Chúa qua ý bề trên, nên Ngài đã trả lời:  

“Nếu bề trên muốn tôi trốn khỏi đây thì tôi xin Ngài viết cho tôi bài sai chính thức. Nếu không tôi sẽ ở lại xứ.” 

Cha Borelle Hòa liền lãnh ý Đức Cha và sai đem hai chiếc thuyền đến đưa cha Quí về nhà chung để tránh cuộc lùng bắt có thể xảy ra.

Xin ban phúc tử đạo cho con 

Nhưng ý Chúa đã xếp đặt khác. Lòng ước ao được chết vì Chúa đã được Ngài diễn tả qua những lời cầu nguyện. Ngài đã viết lời cầu xin này bằng dấu nhạc: “Lạy Chúa, xin ban phúc tử đạo cho con”.  Lời cầu nguyện nay được Chúa thực hiện. Vì chính những hoạt động  kéo dài mà vào ngày 7 tháng 1 năm 1859 quan đã sai 100 lính đến bao vây nhà ông Phụng. Hôm đó Cha Quí mới về nhận sở Cù Lao Giêng được đúng 10 ngày. Khi lính đến gần làng thì giáo hữu liến cấp báo cho gia đình ông Phụng. Nghe tin này, cha Pernot Định đã đề nghị với Cha Quí cùng đi trốn, nhưng cha Quí bình tĩnh trả lời:  

“Tôi là người bản xứ chắc quan quân khó nhận ra, cha cứ đi trước, tôi ở lại thu dọn đồ lễ để khỏi gây phiền hà cho chủ nhà và giáo họ, rồi sẽ theo sau”. 
Vậy là sau khi Cha Pernot Định vừa trốn khỏi nhà thì quan quân ập tới bắt ông Phụng phải nộp đạo trưởng ngoại quốc như đã được mật báo. Ong Phụng trả lời rằng không có đạo trưởng nguời Tây nào ở đây cả. Đang khi lính định tra tấn ông Phụng thì Cha Quí đứng ra nhận:  

“Ở đây chỉ có tôi là đạo trưởng, ai muốn theo đạo tôi sẵn sàng chỉ dạy”.
Thế là lính liền trói Cha Quí, ông Phụng và 32 giáo hữu giải về Châu Đốc.
Trước mặt quan tỉnh Châu Đốc, Cha Quí một mực xưng mình là đạo trưởng:
“Làm sao tôi có thể bỏ đạo trong khi tôi dạy bảo người khác. Nếu quan thương thì tôi được nhờ, bằng quan muốn kết án thì tôi sẵn sàng, còn chối bỏ Thiên Chúa thì không bao giờ”. 

Phép khai mở mắt thần 

Trong 7 tháng bị giam trong tù, Cha Quí luôn sốt sắng cầu nguyện, ăn chay, đọc kinh lần chuỗi chung với các bổn đạo, và khích lệ các bạn tù và những người đến thăm. Vì chính nhờ cầu nguyện mà Thánh Đoàn Công Quí đã “luyện được phép” khai mở mắt thần, tức là mắt đức tin. Ngày nay ai đến thăm Hội Thừa Sai Paris đều để ý trong Phòng Các Vị Tử Đạo, một cuốn sách nguyện của Thánh Đoàn Công Quí được đặt trong một hộp kính bên cạnh nhiều di tích quí báu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.  

Đi tìm đường tu đức Việt, tìm vết chân trên con đường khai mở mắt thần, người ta lấy làm kinh ngạc trước một phương pháp khai mở mắt thần, xem ra quá đơn sơ và thông thường, nhưng lại là cốt lõi của mọi đường tu đức: đó là phép bí tích và kinh nguyện qua cuốn sách nguyện đã được in dấu đậm hằng ngày do bàn tay và hơi thở của Thánh Đoàn Công Quí. Cũng chính vì xác tín sức mạnh của bí tích và kinh nguyện, trước khi bị xử tử, Cha Thánh Đoàn Công Quí đã khuyên chú Tam con ông Phụng:  

“Con hãy siêng năn đến tòa giải tội, đừng quên đọc kinh, cũng đừng phạm tội để linh hồn con được mạnh mẽ”. 
Thấy được tình Chúa qua tình mẹ
Trong những ngày tù khổ cực, Cha Quí luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho người mẹ đã già ở họ Búng. Có lần cha Quí đã gửi thư cho mẹ bằng một bài thơ rất cảm động diễn tả tình mẹ con thắm thiết, và cũng là dịp nói với mẹ về niềm trung thành và tin cậy nơi Chúa, con mắt đức tin thấy Chúa qua mọi thử thách. 
Gửi về mẹ đôi dòng chữ thông tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lệ rơi buồn lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ thân
Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân
Trời cùng đất không còn xum họp.
Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dạy.
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đường xa xôi cách trở lại chi nài.
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy.
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chân trời gặp hội khoa thi
Nên con phải liều công ứng cử.
Ay là Thiên Chúa cứ sổ ghi
Người tuân theo tất được hoan hỉ
Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng xích chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử
Chí con dốc đền công ơn Chúa
Dạ con làm báo hiếu mẹ cha
Con xin mẹ chớ chút phiền hà
Một cam chịu cho danh Cha cả sáng. 

Trúng Chúa 

Cha Đoàn Công Quí đã cảm nhận được Tin Mừng và trúng Chúa như trúng độc đắc. Không có gì có thể lay chuyển so với vinh quang nước trời, vì “nước Trời giống như một kho tàng chôn giấu trong một thửa ruộng; có người khám phá ra liền vội vùi lại, rồi về bán tất cả mọi sự mình có mà mua lấy thuở tuộng ấy” (Mt 13:44).  

Một hình ảnh thật cao đẹp: một người chủ chiên và một người trùm trưởng của Họ Đạo Cù Lao Giêng cùng hân hoan tiến ra pháp trường lãnh triều thiên tử đạo. Hôm đó là ngày ngày 31 tháng 7 năm 1859. Cha Quí cầm tượng Đức Mẹ trong tay, ngực đeo hài cốt tử đạo. Ngài nói với ông Lê Văn Phụng:

Đây là giờ Thiên Chúa ấn định cho cuộc chiến đấu cuối cùng, chúng ta hãy can đảm chịu đựng vì Chúa”. 

Đoàn lính cầm gươm dẫn hai vị anh hùng tử đạo ra pháp trường Chà Và. Và lời cuối cùng Ngài trối cho giáo dân trước khi bị chém đầu:  

Anh em hãy tìm nước Chúa trước hết, hãy tránh xa các tật xấu và hãy tập luyện nhân đức”. 

Thánh Quí tử đạo năm 33 tuổi, cùng tuổi với Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế. Xác Ngài về sau được đưa về táng tại Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang,  cùng với Thánh Lê Văn Phụng như lời trối. Cha sở và vị trùm trưởng cùng hoạt động xây dựng nước Chúa trong Họ Đạo, cùng bị bắt và tử đạo một ngày, và nay cùng được an táng bên nhau. Thật là một hình ảnh cảm động.

Tác giả: Trần Cao Tường, Lm.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét